CHUYÊN MỤC

Tập trung xử lý bệnh khảm lá vi rút hại mỳ tại địa phương

09/10/2018
   Lần đầu tiên bệnh khảm lá vi rút trên cây mì xuất hiện và lan rộng tại 8/9 xã trên địa bàn huyện Ia Pa. Trước thực tế trên, để khống chế sự lây lan của mầm bệnh, những ngày này các cấp ngành và các địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm phòng trừ hiệu quả loại bệnh này.
   Theo tổng hợp mới nhất của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ia Pa, bệnh khảm lá vi rút trên cây mì đã xuất hiện ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện với tổng diện tích nhiễm bệnh 31,67 ha. Trong đó, các địa phương có diện tích bị nhiễm nhiều nhất là Pờ Tó 8,8 ha, Ia Tul 4,16 ha... Bệnh gây hại tập trung trên giống mì KM419 và HL-S11. Đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện trên địa bàn huyện và lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Để hạn chế thấp nhất sự lây lan nguồn bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, đồng thời triển khai văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan, UBND các xã, Nhà máy chế biến tinh bột mì tập trung triển khai nghiêm túc, kịp thời công tác phòng-chống bệnh, đặc biệt thành lập Ban Chỉ đạo các cấp về phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại cây mỳ, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiêu hủy, tránh sự lây lan của mầm bệnh. Theo đó, hạn cuối phải xử lý dứt điểm toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh trên địa bàn huyện là ngày 15/10 tới.
    Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, sáng 3-10, Tổ công tác phòng chống bệnh khảm lá vi rút hại cây mỳ của xã Ia Tul gồm 15 thành viên là cán bộ, công chức, trưởng, phó các tổ chức hội đoàn thể đã phối hợp với Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút tại hộ ông Siu Gô thuộc xứ đồng Bôn Tơ Khế. Ông Siu Gô cho biết: gia đình ông trồng hơn 1 ha mỳ từ tháng 5/2018, về nguồn gốc hom giống ông cũng không rõ nguồn giống gia đình mình trồng là loại gì, chỉ biết mua của những thương lái chuyên chở từ các xe ô tô tải mang biển kiểm soát ở tỉnh Tây Ninh, số tiền đầu tư tới thời điểm này đã hơn 13 triệu đồng. Giờ đành tiêu hủy, buồn rầu nhìn ruộng mỳ tan hoang, ông Siu Gô chia sẻ: “Đầu tiên trồng khi nó bắt đầu mọc lên lá nó xoắn, cây nào cũng vậy, mình đã làm cỏ, xới, bón phân mà phát triển lên cây vẫn bị bệnh, không biết làm sao hết. Nếu vụ tới trồng mỳ phải có người hướng dẫn về giống chứ bây giờ nông dân chỉ có biết trồng thôi, không biết loại giống nào tốt giống nào là giống không tốt”
   Trao đổi với phóng viên về những bước tiếp theo để phòng trừ loại bệnh khảm lá vi rút hại cây mỳ tại địa phương, ông Nguyễn Phi Loan- Bí thư Đảng ủy - Trưởng Ban chỉ đạo phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại cây mỳ của xã Ia Tul cho hay, mỳ là cây trồng chủ lực của địa phương, toàn xã hiện trồng trên 870 ha mỳ, những ngày qua xã Ia Tul rất khẩn trương rà soát, hướng dẫn người dân cách phòng trừ nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh, đặc biệt đối với những hộ nhiễm bệnh từ 80% đến 100%, xã sẽ hỗ trợ lực lượng, đồng thời với những hộ có tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn tăng cường khuyến cáo người dân nhanh chóng nhỏ bỏ, tiêu hủy. Nói về sự chủ động của địa phương, ông Nguyễn Phi Loan nói thêm: Xã đã mời 12 hộ dân có diện tích bị nhiễm bệnh 4,16 ha để họp, người dân rất đồng tình ủng hộ tiêu hủy diện tích mỳ bị bệnh. Theo sự chỉ đạo của đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện thế thì xã tiếp tục chỉ đạo từ nay đến ngày 15/10 phải hoàn thành theo kế hoạch của huyện.
   Bà Siu Plin- cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ia Pa cho biết: Bệnh khảm lá vi rút trên cây mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Đặc biệt, hiện tại chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh nên vấn đề cấp thiết hiện nay là các địa phương cần nhanh chóng vận động người dân tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, một số xã người dân vẫn chưa tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh. Chúng tôi cũng đang tiếp tục phối hợp với  xã xuống từng hộ dân có diện tích mì bị nhiễm để tuyên truyền, vận động nhổ bỏ, tiêu hủy, nếu không chắc chắn sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
   Để giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân trồng mỳ huyện Ia Pa, ông Huỳnh Vĩnh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng BCĐ phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại cây mỳ đã chỉ đạo, yêu cầu Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam đứng chân trên địa bàn huyện tham gia cùng với địa phương điều tra, xác định diện tích bị bệnh và thực hiện biện pháp tiêu hủy đối với diện tích mì do Công ty cung cấp giống. Đối với diện tích mì bị bệnh nhưng đã đến thời điểm thu hoạch thì phải tiến hành thu mua ngay cho nhân dân kể cả diện tích Công ty không cung cấp giống và xem xét có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân. Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu từ nay trở đi, trước khi Công ty nhập giống mì về phải có kiểm dịch của các ngành chức năng tỉnh, nếu không thực hiện mà nhập giống về làm lây lan dịch bệnh thì Công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm./.
                                                                                                                                                                   Mai Linh
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Văn Ngọc- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png