Nông dân Ia Trôk thu lợi nhuận cao từ cây đậu phộng
11/05/2025
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nguồn nước ngày càng khan hiếm, việc tìm hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết đối với các địa phương của huyện Ia Pa.
Trước thực tế đó, mô hình “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng” do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Ia Trôk triển khai đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho người nông dân nơi đây.
Mô hình được triển khai trên diện tích 7 ha với sự tham gia của 7 hộ dân tại thôn Plơi Rngôl – khu vực có điều kiện canh tác không thuận lợi cho cây lúa nhưng lại khá phù hợp với các loại cây trồng cạn như đậu phộng. Với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật, cùng sự đóng góp của người dân về công lao động và hệ thống tưới, mô hình đã được triển khai vào vụ Đông Xuân 2024–2025. Tổng kinh phí ngân sách huyện hỗ trợ là 218,35 triệu đồng, trong đó có hơn 14 triệu đồng được trả lại ngân sách do sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Sau hơn ba tháng triển khai, tỷ lệ nảy mầm của cây đậu phộng đạt trên 99%, cây sinh trưởng tốt, không phát sinh sâu bệnh. Năng suất dự kiến đạt khoảng 10 tấn/ha, với giá bán thị trường hiện tại khoảng 17.000 đồng/kg, mang lại doanh thu 160 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi hecta đậu phộng mang về lợi nhuận gần 100 triệu đồng – một con số vượt trội so với trồng lúa trước đây.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa cho biết: Qua mô hình này, chúng tôi nhận thấy rõ tiềm năng chuyển đổi cây trồng tại các vùng đất cao, khô hạn. Cây đậu phộng không chỉ chịu hạn tốt mà còn tiết kiệm nước – chỉ bằng 1/3 so với cây lúa. Hơn nữa, chi phí đầu vào thấp, ít phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và có đầu ra tương đối ổn định. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu trong thời gian tới.
Từ thành công bước đầu, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Pa đã có đề xuất tiếp tục nhân rộng mô hình trong những vụ tiếp theo, đặc biệt tại các khu vực có đất trồng lúa kém hiệu quả. Mục tiêu là xây dựng vùng sản xuất đậu phộng chuyên canh, có liên kết với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân.
Nếu làm bài bản và có đầu ra ổn định, cây đậu phộng hoàn toàn có thể trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, thay đổi tư duy sản xuất, và thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Quan trọng nhất là mô hình đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao trình độ canh tác.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình còn tạo được sự đồng thuận, tinh thần chủ động học hỏi trong cộng đồng dân cư. Qua các lớp tập huấn và thực tế sản xuất, người dân đã tích cực áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống đến chăm sóc. Đây chính là yếu tố quyết định giúp mô hình đạt kết quả khả quan và tạo cơ sở để tiếp tục mở rộng.
Không chỉ mang lại hiệu quả tức thì, mô hình còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Việc hình thành vùng chuyên canh, gắn với chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sẽ tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm đậu phộng xã Ia Trôk, từ đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Về mặt xã hội, mô hình giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, việc canh tác đậu phộng – một loại cây ít sử dụng phân thuốc và nước tưới – cũng góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.
Tuy vẫn còn tồn tại một số khó khăn như thiếu nhân công thời vụ hay một vài hộ chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và tinh thần trách nhiệm của người dân, mô hình đậu phộng tại xã Ia Trôk đang được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi cây trồng và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững tại huyện Ia Pa trong thời gian tới.
Mai Linh