CHUYÊN MỤC

Ia Tul: Gắn việc bảo vệ rừng với lợi ích của người dân

30/08/2018
   Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Ia Pa, thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, góp phần quan trọng vào trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa. Ghi nhận của Phóng viên Mai Linh tại xã Ia Tul- nơi có diện tích rừng được giao khoán nhiều nhất huyện Ia Pa.
   Tổng diện tích rừng do UBND xã Ia Tul quản lý và bảo vệ là hơn 22.000 ha. Đến nay, xã đã hợp đồng giao khoán cho 2 tổ cơ động và cộng đồng 6 buôn gồm: Buôn Biah B, Blanh, Biah A, Biah C, Ia Ptao và Tơ Khế quản lý, bảo vệ 8.000 ha rừng. Trong đó, nguồn kinh phí từ DVMTR giao khoán 7.000 ha, còn 1.000 ha được giao khoán theo Nghị định 75 từ nguồn kinh phí của Nhà nước. Bình quân mỗi hộ được nhận khoảng 1,8 triệu đồng/năm. Với việc ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ 7.000 ha, năm 2018, các hộ dân của 6 buôn nói trên sẽ nhận được 1,4 tỷ đồng - theo đơn giá chi trả là 200.000 đồng/ha/năm. Có thể nói, từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, các hộ dân nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng xã Ia Tul đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng trong khu vực được giao khoán. Các hoạt động xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng làm rẫy... giảm rõ rệt, diện tích rừng hiện có cơ bản được bảo vệ tốt.
   Ông Ksor Khoan- Thôn trưởng Buôn Blanh cho biết: Cộng đồng thôn nhận khoán bảo vệ 1.363 ha rừng. Từ khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, được hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR, công tác giữ rừng của buôn Blanh thêm phần hiệu quả, diện tích rừng hiện có cơ bản được bảo vệ tốt. Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, người dân trong buôn còn chia các hộ dân ra thành nhiều tổ thường xuyên tổ chức đi tuần tra khu vực rừng nhận khoán. Mỗi tháng các tổ bảo vệ rừng của buôn đi tuần tra trung bình từ 2 đến 3 lần, mỗi lần đi từ 10 đến 20 người, nếu phát hiện những trường hợp phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, chúng tôi báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý. Đặc biệt DVMTR đã tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trong Buôn, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn, ví dụ như: mua gạo mùa giáp hạt, mua sách vở cho con cháu mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới…
   Ông Siu Sứ - Chủ tịch UBND xã Ia Tul cho biết: Nhìn chung, ý thức người dân về tầm quan trọng của tài nguyên rừng đã dần được nâng cao, từ đó tạo động lực tập trung đoàn kết bảo vệ rừng, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhiều gia đình có tiền chi phí cho con ăn học, hạn chế tình trạng vay nặng lãi. Trước khi thực hiện hợp đồng giao khoán, chúng tôi đã quán triệt các quy định, chỉ đạo các buôn xây dựng kế hoạch kiểm tra rừng đối với diện tích giao khoán. Nhờ vậy, tài nguyên rừng được gìn giữ, việc khai thác vận chuyển lâm sản trái phép cũng ít xảy ra hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ông Siu Sứ- Chủ tịch UBND xã cũng thẳng thắng chỉ rõ việc địa phương vẫn tồn tại một số bất cập. Toàn xã quản lý hơn 22.000 ha nhưng giao khoán cho dân chỉ 8.000 ha, còn hơn 14.000 ha còn lại do xã quản lý nhưng có địa hình phức tạp, giáp địa giới hành chính với các huyện, tỉnh khác như: huyện Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên;  Krông Pa, Kông Chro, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Chư Mố nên vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy. Công tác tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, khi nhiều khu vực bị chia cắt bởi những dòng suối lớn. Ông nói thêm: "Nhìn chung trong công tác quản lý và bảo vệ, đối với thôn hàng tuần đã tổ chức họp, thành lập nhóm tổ, 1 tổ ít nhất từ 10 người đến 20 người, tổ chức kiểm tra rừng theo diện tích mình giao khoán quản lý bảo vệ. Đối với xã cũng thành lập 2 đội cơ động gồm có lực lượng Công an và Quân sự, lực lượng dân quân, vừa tổ chức tuần tra kiểm tra vừa giám sát các tổ giao khoán bảo vệ rừng đồng thời vừa xử lý các trường hợp người dân phát hiện các trường hợp phá rừng làm nương rẫy, vì thẩm quyền của thôn không đủ khả năng xử lý nên báo cáo xã chúng tôi chỉ đạo đội cơ động của xã lập biên bản làm các thủ tục xử lý theo quy định"
   Từng bước nâng cao thu nhập của người dân từ chính sách chi trả DVMTR và đảm bảo cho những cánh rừng mãi xanh đó là mục tiêu mà xã Ia Tul nói riêng, huyện Ia Pa nói chung đang hướng đến. Để nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa của chính sách chi trả DVMTR, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tài nguyên rừng để vốn rừng được giữ vững và ngày càng phát triển./.
                                                                                                                                                                   Mai Linh
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Văn Ngọc- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png