CHUYÊN MỤC

Tảo hôn và những hệ lụy

03/08/2023
   Huyện Ia Pa (Gia Lai) có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Do còn hạn chế về nhận thức, ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng người vị thành niên, chưa đến tuổi kết hôn đã về ở với nhau, sinh con, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
   Chị Nay H'Nơn - Bôn Ia Rniu, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa lấy chồng từ năm 17 tuổi, đến nay tuy mới 27 tuổi nhưng chị đã sinh 4 đứa con. Đứa lớn nhất năm nay 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 1 tuổi. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình sống trong ngôi nhà sàn sập sệ, trong nhà không có gì đáng giá, không có ruộng rẫy, cả 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào số tiền đi làm thuê làm mướn của người chồng. Nhà nghèo, không có tiền nên các con của chị đều không được đi học, hàng ngày từ sáng sớm 3 đứa con đầu của chị đi bắt cua, bắt ốc để kiếm tiền mua rau phụ giúp bố mẹ. “Cuộc sống của gia đình tôi rất cực khổ, ngày mà chồng tôi đi làm thuê được thì mua gạo cho các con ăn, còn không đi làm thuê được thì có lúc không có gì ăn. Cha mẹ tôi thì mất rồi, nhà không có ruộng rẫy nên cũng không biết làm gì để cuộc sống cải thiện hơn” -Chị Nay H'Nơn tâm sự trong nước mắt.
   Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã Ia Broăi, huyện Ia Pa có 06 cặp tảo hôn. Mặt dù, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nhưng do sự nhận thức hạn chế về tác hại của việc tảo hôn, tình trạng cưới vợ, gả chồng chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình, hai bên tự nguyện vẫn còn xảy ra và có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số, nguồn nhân lực, nguy cơ đói nghèo…
   Chị Kpă H’Út – Cán bộ Dân số xã Ia Broăi, huyện Ia Pa cho hay: “Hiện nay tình trạng tảo hôn ở xã Ia Broăi diễn ra khá nhiều và hệ lụy của tảo hôn là không hề nhỏ, một số cặp do mâu thuẫn dẫn đến bỏ nhau. Trước thực trạng trên về phía dân số xã cũng phối hợp với các ban ngành để tuyên truyền cho các cặp tảo hôn hiểu về hệ lụy của việc lấy nhau sớm, sinh con nhiều rồi không biết làm ăn phát triển kinh tế”.
   Theo số liệu thống kê của Phòng Dân tộc huyện Ia Pa, từ tháng 1 năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện có 1.303 cặp kết hôn thì có 205 cặp tảo hôn (chiếm 15,73%), trong đó số cặp tảo hôn là người DTTS 203/205 cặp, chiếm 99,02%. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện tỷ lệ tảo hôn 41/231 cặp kết hôn. Độ tuổi tảo hôn trung bình của người DTTS (đối với nam khoảng 18 - 19 tuổi, đối với nữ từ 15 - 17 tuổi).
   Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân và thanh niên về hôn nhân gia đình, ý thức pháp luật còn hạn chế, việc kết hôn được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán; chưa ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân. Công tác phối hợp quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, thiếu sự quan tâm của cha mẹ cũng là nguyên nhân thúc đẩy tảo hôn. Tình trạng xử phạt vi phạm hành chính về tảo hôn còn gặp khó khăn do phần lớn các gia đình có con tảo hôn đều thuộc diện khó khăn, không có khả năng nộp phạt. Bên cạnh đó, trưởng thôn và cán bộ chưa sâu sát nắm bắt cũng như rà soát các trường hợp tảo hôn; cán bộ tham mưu chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm về tảo hôn. 
   Ông Trần Xuân Hiệp – Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ia Pa cho biết: “Trong thời gian tới, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, tham mưu UBND huyện, Ban chỉ đạo huyện tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án tại các xã để kịp thời phát hiện các tồn tại, hạn chế và hướng dẫn các xã thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Phòng cũng sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ tham gia thực hiện đề án, mô hình. Vận động già làng, người có uy tín, thôn trưởng, người lớn tuổi, nhân dân kiên quyết không tham dự đám cưới đối với các trường hợp tảo hôn trong thôn, làng. Phối hợp Phòng Tư pháp, tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã nghiêm túc thực hiện xử phạt, chế tài đối với hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn theo quy định”
   Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở huyện Ia Pa đang gây ra những hệ lụy đáng lo ngại. Với môi trường xã hội đặc thù và kinh tế khó khăn, các cặp tảo hôn đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, giáo dục và sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống, sự phát triển của thế hệ. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn rất cần sự chung tay, nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
                                                                                                                                                             Như Loan
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Văn Ngọc- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png