.jpg.aspx)
UBND xã Chư Mố được thành lập theo Quyết định số 103/TTCP, ngày 17/3/1984 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở tách từ xã IaTul, huyện Ayun Pa , tỉnh Gia Lai thành lập 02 xã là xã Ia Tul và xã Chư Mố nay thuộc huyện Ia Pa , tỉnh Gia Lai. UBND xã Chư Mố Có trụ sở tại Thôn Ơi H’Briu 1, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Phía Đông giáp xã và Đăk Kơ Ninh, phía Tây giáp Sông ba, phía Bắc giáp xã Ia Kdăm, phía Nam giáp xã Ia Tul. Có diện tích tự nhiên 17.894 ha với 09 thôn, làng. Toàn xã có 90% làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Dân số trung bình năm 2016 là 6754 người, trong đó đến 98% là đồng bào dân tộc thiểu số; gồm 3 dân tộc, chủ yếu là dân tộc Jrai.
UBND xã Chư Mố có điểm xuất phát thấp về kinh tế - xã hội so với các xã khác của tỉnh về nhiều mặt. Tập quán sản xuất lạc hậu, phương thức canh tác chủ yếu là nương rẫy, nền kinh tế tự cung, tự cấp khép kín, giao thông đi lại rất khó khăn, thường ách tắc vào mùa mưa. Tỷ lệ đói nghèo chiếm 37,2%. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân còn nhiều hạn chế, các dịch bệnh như sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, tiêu chảy...thường xuyên xảy ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng khoảng 40%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau hơn 30 năm thành lập, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Gia Lai, của huyện bằng nhiều chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, cho nên trong những năm qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm đúng mức, đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Đến nay, UBND xã Chư Mố đã có bước phát triển khá ấn tượng, ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm…, ngày càng khang trang. Hệ thống giao thông đến các làng đã được thông suốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm gần đây đạt 6,5%/năm; trong đó, nông – lâm nghiệp còn 54,9%; dịch vụ - thương mại tăng lên 26%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 2,5%.
Các chương trình mục tiêu Quốc gia đã thật sự tác động đến đời sống kinh tế, xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Hiện đã có 9/9 thôn, làng 99% số hộ sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hiện còn 27,5%.
Tuy vậy, nhìn lại những năm qua do điểm xuất phát thấp trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới còn khó khăn nhiều mặt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao tập trung chủ yếu vào bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh kém. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân tuy được cải thiện, nhưng còn ở mức thấp; Công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều hạn chế. Quốc phòng- an ninh ổn định, song trật tự an toàn xã hội, phạm pháp hình sự tính chất phức tạp hơn, tệ nạn xã hội đặc biệt là tự tử trong nhân dân vẫn còn cao tác động xấu đến tâm lý đời sống xã hội một bộ phận nhân dân. Công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; cùng với thiên tai, hạn hán, mất mùa thường xuyên xảy ra. Đây chính là những khó khăn, thách thức nếu không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tự vượt lên chính mình thì nguy cơ tụt hậu sẽ trở thành hiện thực và chính chúng ta sẽ đẩy lùi mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
