CHUYÊN MỤC

Nay Pharr – Người đưa tiếng đàn T’rưng của dân tộc ra thế giới

25/03/2019
          Nhắc đến âm nhạc Tây Nguyên, ngoài âm thanh cồng chiêng quen thuộc thì không thể không nhắc tới kho tàng nhạc khí hết sức phong phú với nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau. Hầu hết nhạc khí của các dân tộc sống trên vùng đất Tây Nguyên thường dùng những chất liệu sẵn có trong thiên nhiên như: sáo, tiêu, tù và, đàn T'rưng… Trong đó, ấn tượng và gần gũi nhất phải kể đến đàn T'rưng. Khi nghe tiếng đàn T’rưng cất lên mỗi người đều có những cảm xúc khác nhau, nhưng với Nghệ sĩ Nay Pharr, âm nhạc dân tộc là huyết mạch của sự sống. Vậy nên, không phải tự nhiên, ông bỏ cả đời người phiêu dạt khắp thế giới mang tiếng đàn T’rưng - hồn thiêng của núi rừng, của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Vào buổi chiều tà, chúng tôi có dịp tìm đến nhà Nghệ sỹ Nay Pharr, nhà của ông nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc thôn Ơi H’Biu, xã Chư Mố. Thấy chúng tôi đến ông vui vẻ đón tiếp, ở cái tuổi gần 90 song ông còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Nụ cười hóm hỉnh ông bắt đầu lật lại quá khứ kể cho chúng nghe về cái duyên ông đến với đàn T’rưng: T’rưng tiếng Jrai có nghĩa là “đàn thưa”. Cả thời Pháp thuộc nó chưa bao giờ ra khỏi làng, bởi người ta cho nó là một thứ nhạc cụ của thời sơ khai. Chính vì vậy nên khi còn ở làng ông cũng không buồn học.

          Năm 1952 ông đi bộ đội, làm văn công của Trung đoàn 120, đóng tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum lúc bấy giờ, dưới sự thúc giục của các đồng chí, đồng đội ông bắt đầu lần mò chơi đàn T’rưng. Năm 1954 đi tập kết ra bắc, ông mang theo đàn T’rưng nhưng không đánh. Đến khi đoàn văn công Tây Nguyên được thành lập và cái đêm biểu diễn ra mắt ấy phải có  nhạc cụ của Tây Nguyên?. Lúc đó Nhạc sĩ Nhật Lai bảo ông mang cây đàn T’rưng ra đánh, chẳng từ chối được ông đành phải liều, mang đàn ra đệm cho bài Ra Đi của chính Nhật Lai... Khi tiếng đàn T’rưng của ông cất lên tất cả khán giả đều vỗ tay trầm trồ vì lần đầu tiên trong đời họ thấy một thứ nhạc cụ lạ lùng, tạo ra âm thanh cũng lạ lùng và hay đến như vậy.

          Lúc đầu, cây đàn T’rưng ông Nay Pharr mang theo là nguyên gốc, ngũ cung, 11 ống. Nhưng với sự khuyến khích của nhạc sĩ Nhật Lai, ông đã nghiên cứu nâng lên thành 15 ống. Bắt đầu từ đây, gần như không đêm diễn nào của đoàn vắng bóng T’rưng. Từ chỗ chỉ lấp ló phía sau góp vào các bản hòa tấu, dần dần Nay Pharr cho nó tiến lên độc tấu. Thành công đầu tiên của ông là khi độc tấu bản “Vui được mùa” của nhạc sĩ Huy Thục. Chính nhạc sĩ Huy Thục đã tìm đến nơi ông ở để nhờ ông dạy đàn T’rưng và bày tỏ sự tán thưởng.
Ông Nay Pharr chia sẻ để tiếng đàn T’rưng được vang vọng và mang cái hồn của núi rừng, của dân tộc thì cần phải đánh đàn với cả lực và tâm. Mang được tiếng đàn T’rưng đến với người dân trong nước, song ông Nay Pharr vẫn không hình dung được sẽ có một ngày cây T’rưng được xuất hiện trước khán giả quốc tế. Ngày 5/11/1960, cây đàn T’rưng chính thức xuất hiện trước khán giả Indonesia.

           Gương mặt rạng ngời khi nghĩ lại khoảnh khắc lúc ấy, ông kể: Không thể quên được cái cảm giác “mang chuông đi đánh xứ người”. Hồi hộp lắm, thế nhưng khi tiếng đàn cất lên thì xua đi tất cả mọi thứ, khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Cả Tổng thống Sukarno – Indonesia cũng đến xem và cổ vũ. Từ thành công bước đầu ông mang đàn T’rưng của mình đi khắp các quốc gia trên thế giới: từ Trung Quốc rồi đến Triều Tiên, Mông Cổ, Cu Ba, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bungary, Liên Bang Nga… Khi khán giả quốc tế nghe đàn T’rưng họ rất hâm mộ và yêu cầu ông diễn đi diễn lại hàng chục lần, thậm chí họ còn chen lấn nhau để được nhìn thấy rõ cây đàn T’rưng. Nhưng có lẽ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai là người cảm nhận được một cách đích thực nhất sức truyền cảm của cây đàn khi ông nói với cán bộ ta ở đại sứ quán: “Đã được thưởng thức tiếng đàn này ở Việt Nam nhưng tôi vẫn cứ mê, âm thanh của nó như có lửa. Một cái gì đó cứ rạo rực mãi trong lồng ngực tôi”.

          Một lần sang Triều Tiên biểu diễn, ông Nay Pharr học đánh trống nước bạn. Sau khi xem ông biểu diễn, lúc bắt tay chào, Chủ tịch Kim Nhật Thành hỏi: “Trống Triều Tiên rất khó, anh học đánh trong bao lâu?”. Ông trả lời: “Thưa, học một ngày, học không kịp thở”. Chủ tịch bảo: Thông thường người Triều Tiên muốn thành thạo trống, phải học ba tháng. Người Việt Nam thông minh như thế, chắc chắn là thắng Mỹ rồi. Ông Nay Pharr tâm niệm đi biểu diễn nước bạn không chỉ là thỏa mãn nhu cầu thư giãn của bạn bè quốc tế mà thông qua âm nhạc ông còn muốn nói với bạn bè quốc tế rằng đất nước của chúng ta đã kháng chiến chống giặc ngoại xâm, và ý chí của người dân Việt Nam là bất khuất.

          Năm 1959, ông Nay Pharr cùng anh chị em đoàn văn công Tây Nguyên được biểu diễn chính thức phục vụ Bác Hồ nhân Tổng thống Indonesia lúc bấy giờ là Sukarno sang thăm Việt Nam. Được ở bên và vuốt râu Bác Hồ thật lâu, Bác hỏi chuyện, rồi chỉ vào cây đàn T’rưng và các nhạc cụ dân tộc nói: “Đây là những báu vật của Tây Nguyên. Các cháu hãy gắng sức học cho giỏi, chơi cho hay để mai này trở về phục vụ đồng bào”. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ và nghĩa vụ của người con Tây Nguyên, đến nay ông Nay Pharr đã mang đàn T’rưng đi biểu diễn ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.

         Ở cái tuổi đã xế chiều, khi trở về nghỉ ngơi ông Nay Pharr vẫn đau đáu một nỗi niềm đó là làm sao để giữ được âm vang của T’rưng. Theo ông, học chơi T’rưng không khó, nhưng chơi hay thì chẳng mấy ai làm được. Cái khó là bây giờ thế hệ thanh niên cũng không còn mặn mà với nhạc cụ của dân tộc.

          Tiễn chúng tôi ra cổng, nhưng những câu chuyện về đàn T’rưng vẫn chưa dừng lại, ông vẫn miệt mài say xưa muốn kể cho chúng tôi nghe nhiều hơn nữa về những năm tháng ông gắn bó với T’rưng và những lần biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở nước bạn. Chia tay người nghệ sỹ ưu tú được nhà nước trao tặng năm 1996, chúng tôi hiểu rõ những tâm huyết mà ông dành cho loại nhạc cụ này. Được biết, ông là con trai ruột của ông Nay Der - người thầy giáo, nhà trí thức cách mạng đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai, người đã cùng với một số trí thức người Pháp sáng lập ra bộ chữ viết Jrai, suốt đời đem hết tâm huyết phục vụ, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Gia Lai nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng./.
                                                                                                                                                        Như Loan

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Văn Ngọc- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png