CHUYÊN MỤC

9X làm giàu từ mô hình nuôi ốc bươu đen

07/04/2021
   Từ số vốn đầu tư ban đầu 10 triệu đồng, sau 5 năm, mô hình nuôi ốc đen của anh Nguyễn Thành Luân, sinh năm 1992, ở thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, cho thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng. Để hiểu rõ hơn về chàng thanh niên cũng như mô hình nuôi ốc bươu đen của anh mời qúy vị và các bạn cùng theo dõi phóng sự sau: 
   Trước khi bắt tay vào làm kinh tế, anh Luân chú tâm tìm hiểu kinh nghiệm từ các mô hình thanh niên khởi nghiệp qua sách báo, mạng internet. Sau đó, anh thuyết phục gia đình thử nghiệm nuôi gà, heo, bò theo mô hình trang trại. Tuy nhiên, vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên việc chăn nuôi lần lượt thất bại do dịch bệnh. Năm 2017, anh Luân chuyển sang đầu tư nuôi rắn mối, nhưng sau một thời gian, thấy rắn mối phát triển chậm, chi phí đầu tư cho thức ăn quá cao, sản phẩm lại không bán được nên anh đành từ bỏ. Đến đầu năm 2019, trong một lần ra Bắc, được bạn bè giới thiệu mô hình nuôi ốc bươu đen đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh thấy phù hợp với điều kiện sẵn có của gia đình mình nên tìm hiểu cách nuôi. 
   Giai đoạn đầu nuôi ốc bươu đen, anh Luân liên tiếp gặp thất bại. Mua 0,5 kg ốc con giống với giá 5 triệu đồng từ Bắc vào, do không hợp khí hậu nên sau một thời gian ngắn thả xuống hồ, ốc chết gần hết. Không nản chí, anh khăn gói sang Đak Lak học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc bươu. Tháng 4/2019, khi cảm thấy lưng vốn kiến thức đã kha khá, anh Luân dốc túi mua ốc bươu giống ở Đak Lak về nuôi. Trời không phụ công người, sau 4 tháng, lứa ốc thương phẩm đầu tiên của anh được xuất bán với giá 100.000 đồng/kg. Từ thành công bước đầu, anh Luân giữ lại một phần ốc để nuôi sinh sản. Cùng với đó, anh xây thêm 3 bể dùng nuôi ốc sinh sản và 2 bể nuôi ốc con với diện tích 10m2/bể để dễ kiểm soát số lượng và theo dõi quá trình sinh trưởng của vật nuôi. Đồng thời mở rộng thêm diện tích mặt nước tự nhiên, đến nay anh Luân đã có 5.000 m2
   Anh Luân – Thôn 1 xã Pờ Tó, huyện Ia Pa chia sẻ: “Nhận thấy con này nó phù hợp nên mình đầu tư con giống về nuôi, nhưng mà 2 năm đầu chưa biết kỷ thuật nên mình gặp rất nhiều khó khăn, trong thời gian lâu dài mình có kinh nghiệm nên minh nuôi được, thì tính đến thời điểm bây giờ đã trên 5 năm rồi, thu nhập bình quân trên dưới 15 triệu đồng/tháng, nói chung từ lúc nuôi con này kinh tế gia đình ổn hơn rất là nhiều, mà lại không mất thời gian, rất phù hợp với địa phương.”
   Nuôi ốc bươu đen không cần nhiều vốn đầu tư bởi nguồn thức ăn hoàn toàn có sẵn trong tự nhiên như: lá khoai lang, lá mì, bèo tai tượng và các loại củ, quả. Vì vậy, anh tận dụng khoảng trống xung quanh bờ hồ để trồng thêm các loại rau và cây ăn quả, vừa làm thức ăn cho ốc, vừa tạo bóng mát cho ốc trú ngụ. Trong bể xi măng cũng như dưới hồ, anh thả bèo hoa dâu cho ốc đeo bám và sinh sản. Thời gian sinh trưởng của ốc thương phẩm là 4 tháng, đạt 25 con/kg. Nuôi thêm 2 tháng nữa, ốc bắt đầu sinh sản.Qua tìm hiểu, ốc bươu đen là loài ưa khí hậu nóng ẩm nên rất thích hợp với khu vực Tây Nguyên, Ốc sinh sản quanh năm. Tuy nhiên, nếu nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con chỉ khoảng 50-60%. Vì vậy, sau khi ốc đẻ trứng, anh Luân đã gom lại, cho vào rổ nhựa, đặt trong thùng xốp có nước bên dưới, để vào nơi râm mát, phun nước đảm bảo độ ẩm cho ốc nở đều. Sau khoảng 20 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 20-30 ngày có thể xuất bán.
   Với 5 năm kinh nghiệm anh Luân đã chuyên tâm vào nuôi ốc sinh sản. Sở hữu đàn ốc bố mẹ lên đến 3.000 con, bình quân 15 ngày, xuất bán ốc con 1 lần, với giá 500 đồng/con; mỗi tháng anh thu nhập trên 15 triệu đồng. Hiện nay, ốc giống của anh được bán ở các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Bình Phước.
   Đến tham quan mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Luân, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh –đoàn viên xã Pờ Tó, huyện Ia Pa chia sẻ: “Anh Luân là người rất chi là nhiệt tình, biết giúp đỡ thanh niên trong làng, lúc nào cũng mông muốn thanh niên đến học hỏi mô hình của mình. Trong năm nay em cũng dự định tạo dựng mô hình nuôi ốc này, bởi em thấy phù hợp với địa phương nguồn nước khí hậu tương đối ổn định để nuôi ốc.”
   Anh Siu Lý – Phó Bí thư Đoàn xã Pờ Tó huyện Ia Pa cho biết: “Trong thời gian tới Ban chấp hành đoàn xã sẽ cố gắng tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên đi học hỏi mô hình nuôi ốc, đoàn xã cũng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ thanh niên phát triển kinh tế.”
   Thông qua mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm và ốc bươu đen sinh sản của anh Luân không chỉ cải thiện sinh kế cho gia đình  mà còn tạo ra hướng “mở” cho  nhiều thanh niên khác cùng địa phương.  
                                                                                                                                                             Hoàng Hiền

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Ngô Thị Tuyết - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png