CHUYÊN MỤC

Ia Pa: Dấu ấn chặng đường 20 năm hình thành và phát triển

15/03/2023
   Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, Ia Pa là một trong những đơn vị hành chính trẻ của tỉnh Gia Lai. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện  đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, tạo nên những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế -văn hóa- xã hội, quốc phòng – an ninh và đang ngày càng  vươn lên phát triển mạnh mẽ.
   Huyện Ia Pa được thành lập theo Nghị định số 104 ngày 18-12-2002 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện Ayun Pa và chính thức tổ chức lễ ra mắt huyện mới Ia Pa vào ngày 18-3-2003. Khi mới thành lập, huyện gặp vô vàn khó khăn. Trụ sở làm việc tạm bợ, trang-thiết bị phục vụ hoạt động gần như chưa có gì; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa thiếu, vừa yếu. Trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Toàn huyện có 9 xã (trong đó 7 xã đặc biệt khó khăn), hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 87 ha, trong đó trên 14 ha đất nông nghiệp. Tình hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều xã còn phụ thuộc vào thiên nhiên, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn đơn sơ…. 
   Sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Ia Pa đã nhanh chóng ổn định tình hình, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, Ia Pa đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Theo đó, nền kinh tế của huyện phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân đạt trên 11%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3.919 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2003. Chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành trong những năm qua theo xu hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp, tăng dần các ngành công nghiệp - xây dựng, ngành thương mại-dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2003, đến năm 2022 tăng lên 40 triệu đồng (gấp 15,4 lần).
   Là huyện nông nghiệp nên Ia Pa đã xác định: cần khai thác tiềm năng đất đai, tập trung tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; bên cạnh việc tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các trạm bơm điện, thủy lợi nội đồng để nâng cao năng lực tưới; quan tâm, chú trọng việc làm mới và tu sửa kênh mương nội đồng, đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích cây lúa nước, nâng cao năng suất cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước: Từ 10.995 ha năm 2003 đến năm 2022 đạt 35.920ha (gấp 3,3 lần), tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2022 đạt 71.149 tấn, gấp 2,5 lần so với năm 2003. Đã hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu như mía, thuốc lá, mì gắn với việc sơ chế tại chỗ và đã đưa một số cây vào trồng thí điểm như: Cao cao, chanh dây, …Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các sản phẩm OCOP, đến nay có 03 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với Yến sào Phương Đông, gạo Pờ Tó TBR97 và Bưởi da xanh. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp lên một tầm cao mới.
   Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng vừa duy trì, phát triển các con giống tốt, vừa chú trọng công tác lai cải tạo đàn bò địa phương, nạc hóa đàn heo để từng bước nâng cao cả về quy mô và chất lượng. Nhờ đó ngành chăn nuôi từ chỗ nhỏ lẻ, phân tán đến nay đã có nhiều hình thức và quy mô như chăn nuôi tập trung ở các trang trại, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi hộ gia đình… Hiện, trên địa bàn huyện có 04 trang trại đã đi vào hoạt động với quy mô nuôi từ 4.800 đến 20.000 con/năm; có 05 trang trại chăn nuôi được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô nuôi từ 2.400 đến 24.000 con heo các loại. 
   Song song với việc tập trung cho phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ năm 2003 đến năm 2022 tăng trưởng khá về số lượng và chất lượng sản phẩm: Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - xây dựng năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010), đạt 1.442 tỷ đồng, gấp 6,4 lần so với năm 2003. Trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là 201,5 tỷ đồng, gấp 16,6 lần so với năm 2003. Ngành năng lượng tái tạo đang có bước phát triển. Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh, bình quân hàng năm lên đến 30,68%. Giá trị thương mại và dịch vụ năm 2022 đạt 929 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2003, chiếm 19,5% trong cơ cấu kinh tế. 
   Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số” huyện Ia Pa đã hoàn thành việc chỉnh trang, sắp xếp làng Bi Giông, Bi Gia (xã Pờ Tó) và làng Blôm (xã Kim Tân) theo hướng làng nông thôn mới; đồng thời vận động nhân dân ở các làng hưởng ứng việc tự sắp xếp, chỉnh trang nhà cửa, thôn, làng mình; Hoàn thành Dự án Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xã Ia Broăi, di dời khẩn cấp 90 hộ dân sống trong vùng rốn lũ thường xuyên bị sạt lở Bôn Jứ đến nơi ở mới. Bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay huyện Ia Pa có 02 xã là Ia Tul và Ia Mrơn đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang quyết tâm phấn đấu thêm 1 xã là Kim Tân đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023, đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi năm huyện phấn đấu 9 làng đạt chuẩn nông thôn mới theo Chỉ thị 12 của BTV Tỉnh uỷ.
   Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Công tác giáo dục và đào tạo, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao phát triển đa dạng, phong phú và sâu rộng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 02 của Huyện ủy về “nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh”.
   Đối với công tác xóa đói giảm nghèo huyện đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. Khi mới thành lập huyện có 7 xã đặc biệt khó khó khăn, nay còn 4 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 51,15%  đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,67%.
   Với phương châm giữ vững an ninh chính trị là nhiệm vụ hàng đầu, phát triển kinh tế là trọng tâm, 20 năm qua các cấp, ngành, địa phương trong huyện Ia Pa đã chú trọng xây dựng củng cố: “Nền Quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận An ninh nhân dân” và “thế trận lòng dân”, tập trung chuyển hóa các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước và hệ thống chính trị địa phương.
   Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, 20 năm qua, Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, luôn được cấp ủy, chính quyền, đặc biệt quan tâm. Nếu năm 2003, Đảng bộ huyện chỉ có 28 tổ chức cơ sở đảng, với 504 đảng viên, và còn 7 thôn, làng chưa có đảng viên thì đến nay, toàn Đảng bộ đã có 37 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 1.827 đảng viên, 51/51 thôn làng có đảng viên, có cấp uỷ; phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII & Khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, tạo sự chuyển biến tích cực, trong nhận thức, hành động, của cán bộ đảng viên và Nhân dân, tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần đẩy lùi sự suy thoái, về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. 
   Sau 20 năm xây dựng và phát triển, để ghi nhận những thành tựu đạt được; Đảng - Nhà nước, đã tặng thưởng cho nhân dân và cán bộ huyện Ia Pa, nhiều phần thưởng cao quý đó là: “Huân chương LĐ hạng Nhì” và trao tặng “Huân chương lao động hạng Nhất” vào năm 2018. Những kết quả đạt được trên chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của huyện Ia Pa rất đáng tự hào và là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân trong huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng huyện Ia Pa ngày càng phát triển giàu mạnh ./.
                                                                                                                                            Như Loan – Mai Linh
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Ngô Thị Tuyết - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png