Vũ Văn Tùng - người giáo viên giàu lòng nhân ái

11/05/2022
   Tận tụy với công việc, hết lòng tiếp lửa yêu thương cho học trò vùng khó đến với “con chữ”- đó là những nhật xét của đồng nghiệp, học sinh, các bậc phụ huynh và Nhân dân dành cho thầy giáo Vũ Văn Tùng- Trường TH và THCS Đinh Núp xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
   Chàng thanh niên Vũ Văn Tùng sinh năm 1980 quê ở huyện Diễn Châu- tỉnh Nghệ An, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử năm 2005 tại trường Đại học Đà Lạt - chật vật mấy năm tìm việc, với niềm mong mỏi được làm nhà giáo, anh đã về công tác tại nhiều trường vùng 3 ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Về với ngôi trường TH và THCS Đinh Núp đến nay đã gần 10 năm. Thầy giáo Tùng tâm sự, có lẽ nhiều người không tin, nhưng nếu tận mắt chứng kiến con em đồng bào DTTS đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải sống với sự lo lắng cơm không đủ no, quần áo không đủ ấm, ngày mùa phải vắng lớp liên tục vì theo cha mẹ lên nương rẫy hoặc phải nghỉ học bởi quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào tập quán thì ai trong chúng ta cũng sẽ dâng tràn cảm xúc yêu thương, mong muốn làm được điều gì đó thiết thực cho các em. 
   Bằng tấm lòng của mình nhiều năm học qua thầy Tùng luôn có những hành động thiết thực giúp học trò nơi đây, với thầy đi gần trăm cây số mỗi ngày, đến tận nhà chở học sinh đến lớp hay vô tận chòi rẫy xa, ở lại đêm để vận động học sinh về đi học là việc làm không mấy xa lạ. Những lớp do thầy Tùng Chủ nhiệm không có trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng. 
   Ngoài vận động mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp hỗ trợ những phần quà có giá trị để cho các em và gia đình học sinh duy trì cuộc sống như hỗ trợ bò, dê sinh sản, gạo cứu đói mùa giáp hạt…. thầy Tùng còn là người sáng lập “tủ bánh mì 0 đồng” chủ động quyên góp, ủng hộ cho học sinh nghèo những bữa sáng no bụng trước giờ vào lớp. Em Đinh Lin- lớp 9- Trường TH và THCS Đinh Núp cho biết: “Nhà em nghèo, mẹ em cứ bắt em vắng học miết, em cũng muốn đi học lắm nhưng nhà em không có người làm cũng nhờ thầy Tùng đến giải thích, thầy cũng cho gạo, mắm nên mẹ em cũng cho em đi học lại”
   Chia sẻ với Phóng viên về những cảm nhận của mình khi cùng làm việc với Thầy Tùng, cô Nguyễn Thị Nghìn- Tổ trưởng Tổ chuyên môn THCS trường TH và THCS Đinh Núp xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói: “Bản thân tôi thấy được rằng thầy thực sự là một tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo, về sự tận tâm, tận tình, sự nhiệt huyết và tôi cũng thường hay nói chuyện và cũng là câu động viên đối với thầy Tùng và tất cả các em học sinh, thường nói rằng: Thầy giáo của em đi từ khi sương còn đẫm trên ngọn cây ngọn cỏ khi trở về cây cỏ đẫm sương đêm, tức là tối muộn thầy mới trở về” 
   Từ sự tận tụy của thầy Tùng nhiều thế hệ học trò làng Bi Giông- Bi Da xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đã trưởng thành, có cuộc sống khá hơn, mỗi khi nhắc đến thầy Tùng dân làng BaNa nơi đây thường gọi thầy bằng cái tên trìu mến như người con của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây Thầy “Đinh Tùng”. Còn đồng nghiệp luôn dành cho thầy Tùng tình cảm nể phục trước những hành động đẹp và vô cùng ý nghĩa./.
                                                                                                                                                                 Mai Linh