Đảng bộ huyện Ia Pa lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận

Đảng bộ huyện Ia Pa lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận


Qua 10 năm xây dựng và phát triển, công tác dân vận ở huyện Ia Pa đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần huy động và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Để có được thành công đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện Ia Pa là nhân tố quan trọng hàng đầu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Huyện ủy Ia Pa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận; xây dựng cơ chế cụ thể để lãnh đạo khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; thực hiện tốt chế độ giao ban và tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động của khối dân vận huyện. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực, đạo đức và tính gương mẫu, gần gủi với quần chúng; phân công, đôn đốc và kiểm tra đảng viên làm công tác dân vận; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân; tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến nhận xét, đóng góp xây dựng cho cán bộ, đảng viên. Qua đó tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.             Trong lãnh đạo thực hiện công tác dân vận, Huyện ủy đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, việc công khai của chính quyền trong hoạt động quản lý điều hành bao gồm: công khai về các chủ trương, chính sách, pháp luật, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các khoản thu chi kinh phí, nội quy, quy định và quy chế làm việc của các cấp chính quyền, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm…, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; đồng thời giúp cho mỗi cơ quan, cán bộ, công chức ý thức được trách nhiệm trước công việc, trước Đảng và trước nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền khi xây dựng và thực hiện các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đều bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân, đảm bảo quy chế “giám sát cộng đồng”.
            Cùng với việc nâng cao ý thức cán bộ, đảng viên, tinh thần làm chủ của nhân dân, việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức luôn được Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm. Hằng năm, huyện đã tổ chức, đồng thời phối hợp các ngành chức năng cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực công tác cho cán bộ để thực hiện tốt công tác dân vận. Với phương châm: “cán bộ, công chức nhà nước là cái gốc của mọi công việc, là người nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải thích rõ chính sách, pháp luật cho nhân dân hiểu, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách để nhân dân noi theo”, Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp chính quyền định kỳ tổ chức tiếp dân để nghe ý kiến phản ảnh và kịp thời giải quyết những bức xúc của nhân dân; cán bộ, công chức đảng viên phải thường xuyên sâu sát cơ sở để nâng cao kinh nghiệm thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến và những tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện tốt phong cách dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
            Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Dân vận Huyện ủy, khối dân vận cơ sở và tổ dân vận thôn, làng, Huyện ủy đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở, từ đó có kế hoạch kiện toàn tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn và phân công các cán bộ trưởng thành từ phong trào quần chúng có đủ năng lực và được quần chúng tín nhiệm để làm công tác dân vận. Từng bước kiện toàn tổ chức, sắp xếp đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận theo Hướng dẫn 01-HDLB/TC-DVTW, ngày 25/52/000 của Ban Tổ chức và Ban Dân vận Trung ương và Hướng dẫn số 80-HD/BDVTW về thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, làng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng các xã và các cơ quan liên quan xây dựng, tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của khối dân vận cơ sở và tổ dân vận thôn, làng. Trong đó tập trung vào các mặt: củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp thông tin, kinh nghiệm hoạt động…, đồng thời phát hiện sai sót, lệch lạc để uốn nắn; động viên, cổ vũ cách làm hay để nhân rộng.
            Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân vận trên địa bàn huyện trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
            Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết về công tác dân vận đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể cần hướng vào vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tham gia cùng chính quyền các cấp xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, từ thiện, nhân đạo và xây dựng nông thôn mới.
            Hai là, trong quá trình thực hiện công tác dân vận, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể; đồng thời hướng dẫn và động viên nhân dân thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với kỷ cương, kỷ luật. Chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng cho nhân dân. Phải vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời khơi dậy những giá trị đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết và ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư.
            Ba là, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận, gắn với đổi mới phương thức, hình thức dân vận phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ dân vận, có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác dân vận ở cơ sở, ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
            Thực chất công tác dân vận là xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân đối với Đảng, lòng dân và niềm tin của nhân dân đối với Đảng có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Do vậy, một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận trong thời gian tới là hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phát huy vai trò công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác xây dựng đội  ngũ cán bộ dân vận đủ đức và tài; nắm bắt tình hình, xử lý thông tin và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; xây dựng các kênh thông tin tiếp thu ý kiến, nhận xét của nhân dân, lấy đó làm cơ sở để kiến nghị cấp trên có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh các chính sách sát tình hình thực tế, đồng thời điều chỉnh hoạt động dân vận ngày càng hiệu quả hơn.
                                                                                                              Theo nguồn tin: thongtintuyengiaogialai.vn

Quay lại