CHUYÊN MỤC

Tết xa quê- vì cuộc sống mưu sinh

26/02/2019
          Trong quan niệm của người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp sum họp, đoàn tụ cùng gia đình. Dù đi làm ăn xa ở đâu, nhiều người vẫn tìm cách về nhà ngày Tết, để được thắp nén hương cho tổ tiên, quây quần bên gia đình. Thế nhưng, mùa xuân Kỷ Hợi 2019, đâu đó trên vùng đất Ia Pa vẫn còn không ít người con xa xứ lặng lẽ ở lại nơi đất khách quê người mong kiếm thêm thu nhập cho gia đình và bản thân. Những người mà chương trình Chào Xuân Kỷ Hợi 2019 chúng tôi muốn nhắc đến đó là những bà con trồng dưa “du mục”- phải đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc ở nơi đồng không mông quạnh, trong những căn lều bạt tuềnh toàng bên ly rượu nhạt.

Họ tự nhận mình là những người “du mục”. Bởi quanh năm, họ đi từ vùng này đến vùng khác, ngắm nghía những thửa ruộng phì nhiêu rồi thuê đất, dựng lều. Cái lều ấy họ gọi nó là nhà. Họ vẫn có những ngôi nhà đúng nghĩa như bao gia đình khác nhưng nó ở Bình Định, ở Phú Yên – nơi quê hương chôn rau cắt rốn. Cái nghiệp nông trang buộc họ phải khăn gói đến những vùng đất lạ, những vùng đất để cây dưa hấu có thể cho quả ngọt. Nếu năm trước họ đi Krông Pa, năm sau họ tìm đến Ayun Pa, rồi đến Ia Pa... Họ cứ đi, đi mãi đến quên tháng ngày. Cái lịch ngày tháng của họ được mặc định đổi theo lịch của những cây dưa kể từ ngày ươm hạt, nảy mầm cho đến ngày thu quả. Bởi thế, đã từ lâu họ không được đón một cái Tết sum vầy bên gia đình, mà chỉ là mâm cơm đơn sơ vội vã với con gà, ly rượu. Với những lão nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy thì Tết có lẽ chỉ là ngày ruộng dưa cho một mùa màng bội thu.

          Bước ra từ căn lều nhỏ, thấy từng cơn gió thốc vào những tấm bạt, anh Bùi Văn Tuấn trú quán xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định bổng cảm thấy chạnh lòng. Khi không khí của mùa xuân đã ngập tràn đến mọi cửa nhà, con đường ở huyện Ia Pa, trong những ngôi làng bao bọc quanh cánh đồng Hlin 1, Hlin 2 của xã Ia Mrơn, mọi người đang sum vầy, hô hào, chúc tụng nhau trong niềm vui đón mừng năm mới.

          Trò chuyện với chúng tôi trong căn lều thông thốc gió lùa, anh kể cho tôi nghe về những tháng ngày du mục nay đây mai đó của mình, anh nói, năm nay 29 tuổi nhưng anh đã có 13 năm gắn bó với cái nghề trồng dưa. Gia đình có 5 anh chị em, ba mất sớm, là con trai áp út trong gia đình, ở vùng quê Bình Định, nhà chỉ có vài sào lúa, quanh năm bám vào đó thì không đủ ăn nên năm 16 tuổi anh đã cùng anh trai lên miền ngược, đi khắp vùng Tây Nguyên để kiếm kế sinh nhai bằng nghề trồng dưa. Mấy năm trước làm chung với anh chị, đầu năm 2018 cưới vợ nên “dắt” vợ theo cùng, trong ánh mắt xa xăm của anh Tuấn khi nhìn về những ngôi làng thấp thoáng, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn về những ngày tháng đón Tết xa nhà của anh. Đôi mắt đỏ hoe, gượng cười nén cảm xúc. Anh Bùi Văn Tuấn tâm sự: Mười mấy năm nay không có cái Tết nào được ở nhà, từ hồi làm dưa tới nay cứ ở quê “nẩu” không, Tết ở lại xứ “nẩu”. Tết ở đây thì cũng đi, mình đi thăm Xuân vậy, cũng trại này qua trại kia rồi nhậu nhẹt cho nó qua ngày, có anh nhớ nhà, nhớ con vậy rồi khóc, về không được rồi buồn, giờ dưa vậy ở chớ đâu về được.

          Tuy là Tết nhưng vợ chồng chị Phan Thị Lan xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cùng đứa con gái 2 tuổi vẫn đang trên ruộng dưa thuộc cánh đồng Hlin 2 xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa. Đôi vợ chồng trẻ nhưng cũng đã nhiều năm bám trụ với nghề này, chị Lan quá thấu hiểu nỗi cô quạnh cũng như vất vả khi không được đoàn tụ với gia đình trong những ngày Tết. Chị Lan tâm sự: cũng không ai muốn cuộc sống nay đây mai đó thế này, nhưng vì mưu sinh, để kiếm miếng cơm manh áo, xa quê hương, xa gia đình cũng nhớ thật nhưng riết rồi cũng quen. Chỉ mong xong vụ dưa bán được nhiều tiền mang về quê là vui rồi, khi ấy mới thật sự là “Tết”.

          Mùa vụ này, xã Ia Mrơn là địa phương có số lượng lớn người dân từ các vùng quê khác đến thuê đất trồng dưa, đã có gần 40 hộ dân chủ yếu từ vùng quê Bình Định lên thuê trồng hơn 40 ha dưa. Đồng chí Phạm Thanh Hiếu- Trưởng Công an xã Ia Mrơn cho biết: Để đảm bảo bình yên cho người dân địa phương nói chung, bà con xa quê đón Xuân tại Ia Pa nói riêng, những ngày này, 17 đồng chí trong lực lượng công an của xã đã tích cực tăng cường bám địa bàn, tuần tra, kiểm tra các hoạt động, góp phần cùng với bà con đón một mùa Xuân trọn vẹn, nghĩa tình. Đồng chí Phạm Thanh Hiếu nói: Để quản lý tốt công an xã cũng thường xuyên xuống đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng, để nắm được nhân công, số lượng ở lại đón xuân tại địa bàn, nhắc nhở họ khi nào có nhân công thì cũng kịp thời báo cho công an xã một là trực tiếp, hai là qua điện thoại.

          Lại thêm một cái Tết không trọn vẹn nữa với những người trồng dưa du mục như anh Tuấn, Chị Lan, và sẽ lại là cái Tết mà món quà quý giá nhất họ nhận được, có lẽ chỉ là lời chúc một mùa vụ thuận buồm xuôi gió, từ những người làm chương trình như chúng tôi…. Nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thay mặt những người làm chương trình chào xuân mới 2019, kính chúc quý vị và bà con, năm mới Vạn sự như ý, mùa màn bội thu./.
                                                                                                                                                           Mai Linh
 
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Ngô Thị Tuyết - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png