CHUYÊN MỤC

Huyện Ia Pa tổ chức phục dựng Lễ Mừng lúa mới tại xã Chư Mố

10/06/2019
          Với mong muốn bảo tồn và phát huy nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San và Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm VHTT và TT huyện Ia Pa phối hợp tổ chức phục dựng Lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Jrai tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Chương trình lễ đã chính thức diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 8-6 vừa qua. Tham dự lễ, về phía tỉnh có ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Về phía huyện có ông Nguyễn Minh Phúc- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các ban ngành đoàn thể huyện, cấp ủy chính quyền các xã trên địa bàn huyện, đông đảo bà con xã Chư Mố và các xã lân cận.

Lễ Mừng lúa mới theo tiếng gọi của người Jrai là Ngă Yang trun hoă pơdai hle- là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yàng ban cho dân làng và tập tục cúng các vị thần trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm… với mong ước mùa màng tươi tốt, bội thu mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng. Đây là lễ mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người Bahnar, Jrai. Ông Ksor Nai - Thầy Cúng Nghi lễ Mừng lúa mới cho biết:Làm lễ là mong muốn xác nhận trong một năm người nông dân đã thu được bao nhiêu, kết quả. Khi hồn lúa về nhà mời cả làng xem, vừa ăn vừa uống, vừa xác nhận mình năm nay thu được bao nhiêu, trong bồ lúa được mấy bồ đầy, lỡ trường hợp sự cố xảy ra người nông dân nói là Tôi có 3 bồ đầy nhưng có người chứng kiến chỉ có 1 bồ đầy, 2 bồ chưa đầy. Vì vậy nên phải mời bà con dự ăn lúa mới, cần có người giám sát”

           Theo trình tự Lễ gồm: Giữ hồn lúa tại rẫy; đưa hồn lúa về chòi; nhập hồn lúa vào bồ trong đó bao gồm lễ ăn cơm mới. Địa điểm diễn ra Lễ là từ nương rẫy về kho lúa về hộ gia đình của làng, thông thường dân làng tổ chức Lễ khi mùa thu hoạch đã hoàn thành. Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và tùy theo điều kiện của gia chủ có vật hiến sinh mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các làng lân cận cùng vui chơi ăn uống. Nhà nào đông khách coi như là niềm vinh dự. Vì thế, ngoài việc cúng thần, hồn lúa và tổ tiên cùng với việc cầu mong sức khỏe cho gia đình, người ta đánh cồng chiêng, vui chơi, ca hát suốt nhiều ngày đêm để vui mừng cùng hưởng thành quả của một quá trình lao động nhọc nhằn, vất vả. Ông Ksor Thất- người già của xã Chư Mố- có nhiều hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc mình cho biết: “Thôn nào cũng có thầy cúng, có thể có từ 1 đến 3, 4 người, Thầy cúng đó biết, am hiểu hết về các dòng tộc như dòng họ Nay, Ksor, Rmah,… Về đánh chiêng ăn năm uống tháng, người ta gọi là chiêng Tnă hoặc chiêng Kđo hoặc chiêng Sa, có hai chiêng núm to và 6 chiêng bằng, 1 cái trống cực đại, khi đánh là phải ngồi. Loại chiêng này chỉ tập trung vào mùa ăn năm uống tháng ví dụ dùng cho lễ trưởng thành, lễ mừng lúa mới hoặc mừng nhà mới”

          Người Jrai với tâm hồn mộc mạc, dù trải qua ngàn đời nay nhưng họ vẫn còn in đậm dấu ấn của tín ngưỡng đa thần, người Jrai cho rằng các vị thần linh, cũng đều có tình cảm như con người, cũng vui buồn, giận hờn, biết ghét, biết yêu thương… Cúng thần nhiều lễ vật với tấm lòng thành thì sẽ nhận lại sự giúp đỡ, che chở, ủng hộ, bênh vực tương ứng. Ông Võ Trí Hoàn- một người đam mê văn hóa Tây Nguyên hơn 20 năm chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến và tham gia nhiều lễ hội cúng lúa mới từ trên huyện Sa thầy tỉnh Kon Tum, mỗi phong tục, mỗi dân tộc có khác nhau nhưng có điểm chung và hay, Lễ cúng là điểm tựa tinh thần tâm linh của người Jrai nói riêng và dân tộc Tây Nguyên nói chung, nó gắn kết cộng đồng với nhau”.

          Trao đổi với Phóng viên, ông Đặng Công Hưng- cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Tổng hợp Đam San cho biết: Được biết xã Chư mố của huyện Ia Pa là một trong những xã có nhiều nghi lễ, tập tục, nhưng qua thời gian cuộc sống cho nên một số nghi lễ, tập tục cũng bị thương mại hóa, bị mai một. Chính vì vậy Nhà hát ca múa nhạc Tổng hợp Đam san phối hợp cùng huyện Ia Pa khảo sát, tìm hiểu và sẽ phục dựng lại lễ hội, nghi lễ nào mà mang những truyền thống tốt đẹp nhằm nâng cao, gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

          Lễ Mừng lúa mới là một trong những phong tục nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa cha ông ta để lại. Hy vọng rằng sẽ được tiếp tục nhân rộng và duy trì mãi về sau, để không chỉ Lễ mừng lúa mới mà nhiều lễ hội truyền thống khác của cộng đồng dân cư bản địa trên địa bàn huyện Ia Pa được bảo tồn, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình trải nghiệm những buôn làng vốn mang nhiều điều thi vị cho người lữ khách phương xa./.
                                                                                                                                                     Mai Linh

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Văn Ngọc- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png