GIỚI THIỆU CHUNG

htpt-(1).jpg
 

 
  Huyện Ia Pa nằm trong thung lũng sông Ba ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, cách thành phố Plei Ku khoảng 104km; được chia tách, thành lập theo Nghị định số 104/2002/NĐ-CP ngày 18/12/2002 của Chính phủ; chính thức làm lễ ra mắt, đi vào hoạt động từ ngày 18/3/2003.
. Phía Bắc giáp huyện Mang Yang và Kông Chro; phía Nam giáp Thị xã Ayun Pa; phía Đông giáp huyện Krông Pa; phía Tây giáp huyện Phú Thiện; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Yên. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 86.850,25 ha, trong đó đất nông nghiệp 79.949,57 ha, đất phi nông nghiệp 3.943,41ha, đất chưa sử dụng 2.966,56 ha. Huyện có 09 xã, 51 thôn, làng, trong đó có 40 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), có 03 xã khu vực I, 02 xã khu vực II, 04 xã khu vực III và 23 thôn đặc biệt khó khăn,
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 40 triệu đồng/người/năm, toàn huyện có 14.083 hộ, với 62.289 khẩu, trong đó người đồng bào DTTS có 9.862 hộ, với 46.225 khẩu, chiếm 74,21% dân số toàn huyện, tính đến cuối năm 2022, toàn huyện có 2.488 hộ nghèo, chiếm 17,67% số hộ toàn huyện, trong đó: Hộ nghèo DTTS có 2.306 hộ, chiếm 23,38% tổng số hộ DTTS toàn huyện và số hộ cận nghèo là 1.547 hộ, chiếm 10,98% số hộ toàn huyện, trong đó: Hộ cận nghèo DTTS có 1.298 hộ, chiếm 13,16% tổng số hộ DTTS toàn huyện.
Có 09 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: các xã Chư Mố, Ia Broăi, Ia Kdăm, Ia Tul, Ia Trôk, Ia Mrơn, Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân.
Tổng quan kinh tế - văn hoá - xã hội:
Khi mới thành lập toàn huyện có 09 đơn vị hành chính cấp xã, với 65 làng, có 7.640 hộ, 41.484 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 71%. Đến nay, dân số trên 60.000 người, sinh sống trên địa bàn 9 xã với 74% đồng bào DTTS, gồm nhiều thành phần dân tộc, chủ yếu là Jarai.
Từ 01 huyện mới thành lập trong điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu; khi đó quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, thu ngân sách rất hạn chế; nguồn vốn đầu tư vào địa bàn huyện còn hạn hẹp, dịch vụ thương mại còn nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông còn nghèo nàn; tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định. Song, được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh; dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, tinh thần hăng say lao động, sản xuất của Nhân dân trong huyện; đến nay, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, được quan tâm đầu tư, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn của huyện. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân, ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; Hệ thống chính trị, từ huyện đến cơ sở, ngày càng được củng cố vững mạnh; diện mạo Ia Pa đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể:
* Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân đạt trên 11%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3.919 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2003. Chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành trong những năm qua theo xu hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp, tăng dần các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại-dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2003, đến năm 2022 tăng lên 40 triệu đồng (gấp 15,4 lần so với năm 2003). 
- Kết cấu hạ tầng được đầu tư, mở rộng và nâng cấp; các tuyến đường huyết mạch như: Tỉnh lộ 662, 662B, 668, đường 4 xã phía Đông được đầu tư mở rộng, nâng cấp đã hoàn thành đưa vào sử dụng; hệ thống kênh mương thủy lợi, các trạm bơm điện tiếp tục được mở rộng nâng cấp đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khu trung tâm huyện từng bước được đầu tư và tạo được diện mạo mới.
- Nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, bên cạnh việc tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã quan tâm đầu tư xây dựng các trạm bơm điện, thủy lợi nội đồng để nâng cao năng lực tưới; quan tâm, chú trọng việc làm mới và tu sửa kênh mương nội đồng, đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích cây lúa nước, nâng cao năng suất cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Đã hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu như mía, thuốc lá, mì gắn với việc sơ chế tại chỗ; thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Đến nay, diện tích mía, mỳ thuốc lá đã được mở rộng và tăng cao so với năm 2003; Cụ thể: Mía tăng 3,5 lần; mỳ: tăng 17,5 lần; thuốc lá tăng 52 lần); huyện đã đưa một số cây dược liệu vào trồng thí điểm trên địa bàn như: Sả, đinh lăng, gấc, hà thủ ô... Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 công ty (Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) đang hoạt động và thu mua sản phẩm nông nghiệp mía, mỳ cho nông dân.
- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể, sự đóng góp của các đơn vị và các doanh nghiệp, cùng với tinh thần quyết tâm của Nhân dân, đến nay đã đạt được 02 xã Nông thôn mới (Xã Ia Mrơn và Ia Tul). Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Việc xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị 12 được Cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả.
- Trong những năm gần đây, Huyện quan tâm chỉ đạo xây dựng các sản phẩm OCOP, đến nay có 03 sản phẩm được đánh giá, phân hạn sản phẩm OCOP đối với Yến sào Sơn Đông, gạo Pờ Tó TBR97 và Bưởi da xanh.
- Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng vừa duy trì, phát triển các con giống tốt, vừa chú trọng công tác lai cải tạo đàn bò địa phương, nạc hóa đàn heo để từng bước nâng cao cả về quy mô và chất lượng. Nhờ đó ngành chăn nuôi từ chỗ nhỏ lẻ, phân tán đến nay đã có nhiều hình thức và quy mô như chăn nuôi tập trung ở các trang trại, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi hộ gia đình… Hình thành nhiều trang trại chăn nuôi từ 4.800 đến 20.000/năm. Đến nay, có 05 trang trại chăn nuôi được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; có 17 Trang trại đang lập các hồ sơ, thủ tục xin đầu tư.
- Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ năm 2003 đến năm 2022 tăng trưởng khá về số lượng và chất lượng sản phẩm: Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - xây dựng năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010), đạt 1.442 tỷ đồng, gấp 6,4 lần so với năm 2003. Trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là 201,5 tỷ đồng, gấp 16,6 lần so với năm 2003. 
- Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh; Giá trị thương mại và dịch vụ năm 2022 đạt 929 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2003. Nhiều chợ xã được hình thành tạo điều kiện buôn bán, giao thương trong Nhân dân. Quan tâm thực hiện phát triển các lĩnh vực bảo hiểm, bưu chính viễn thông, bán buôn, đào tạo, dạy nghề, vận tải hành khách… 
- Mạng lưới tài chính, tín dụng khi mới thành lập huyện có quy mô nhỏ, dư nợ tín dụng còn rất nhỏ bé, chưa đa dạng về loại hình; thu ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu chi ngân sách của huyện; nhưng sau 20 năm thành lập, mạng lưới tài chính, tín dụng đã có những bước tiến đáng kể. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022: 32,99 tỷ đồng (gấp 36 lần so với năm 2003). Công tác quản lý chi, điều hành ngân sách thực hiện đúng quy định; các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Các ngân hàng đã tích cực trong việc đổi mới để mở rộng mạng lưới hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ để huy động vốn, cho vay phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của Nhân dân.
* Về Văn hóa-Xã hội: Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ.
 - Giáo dục- Đào tạo có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng dạy và học được nâng lên, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho xã hội. Từ những ngày đầu thành lập, quy mô ngành Giáo dục còn nhỏ bé, toàn huyện có 21 trường, chất lượng giáo dục còn hạn chế nhiều mặt; trình độ dân trí rất thấp. Năm học này, toàn huyện có 30 trường học, với hơn 13.000 học sinh; có 10 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 33% tổng số trường trên địa bàn huyện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp các năm tăng cao; riêng học tốt nghiêp THPT trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt tỷ lệ cao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa. Công tác khuyến học, hướng nghiệp, dạy nghề luôn được quan tâm; phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng.
- Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, có nhiều chuyển biến; Khi mới thành lập, cán bộ ngành y tế vừa thiếu, vừa yếu, CSVC - trang thiết bị, còn tạm bợ, thô sơ và lạc hậu. Đến nay, ngành y tế không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với gần  146 Y- Bác sĩ (tăng 75 Y- BS), trong đó có 28 Bác sĩ, đạt tỷ lệ 4,6 Bác sĩ/vạn dân; 8/9 Trạm y tế có bác sỹ;  72 y tế thôn bản và 93 cộng tác viên dân số, hoạt động có hiệu quả; 09 xã, đạt chuẩn quốc gia về y tế; chất lượng khám và điều trị được nâng cao, các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, nhất là dịch Covid-19, sốt xuất huyết.
- Hoạt động văn hóa - thông tin, TD-TT, phát thanh - truyền hình được quan tâm đảm bảo công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và phong phú góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thiết chế văn hóa bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng góp phần hực hiện có hiệu quả Đề án 02 của Huyện ủy về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào tại chỗ, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vững mạnh. Phong trào thể dục rèn luyện sức khoẻ phát triển; thành tích thi đấu thể thao trong huyện và tỉnh được nâng lên.
- Chương trình giảm nghèo và công tác dân tộc luôn được quan tâm, lồng ghép có hiệu quả, nhiều nguồn lực, từ các chương trình mục tiêu quốc gia: “XD nông thôn mới” và “Giảm ngheo bền vững”, tập trung xây dựng cơ sở thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, chăm lo an sinh xã hội, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều chính sách DT được triển khai kịp thời, có hiệu quả, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát huy được nội lực, giảm nghèo; hiện nay, hộ nghèo giảm còn 17,67%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 38,2% tổng số lao động. 
Huyện quan tâm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công. Công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin được quan tâm thực hiện tốt hơn. Công tác chăm lo đời sống và chi trả các khoản trợ cấp cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời và đúng quy định. 
* Công tác Quốc phòng - An ninh được tăng cường; luôn quan tâm xây dựng, củng cố “Nền Quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận An ninh nhân dân” và “thế trận lòng dân”. Tập trung xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 28-NQ/BCT của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới” và Nghị định 152 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Trong suốt 20 năm qua, LLVT huyện không ngừng lớn mạnh toàn diện, từng bước xây dựng chính quy, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch; thực sự là lực lượng nòng cốt, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và chế độ XHCN, đem lại sự yên bình cho Nhân dân, tạo điều kiện thuân lợi, cho kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.
      *Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, luôn được cấp ủy, chính quyền, đặc biệt quan tâm. 
          - Khi mới chia tách, Đảng bộ huyện có 28 tổ chức cơ sở đảng, với 504 đảng viên; năng lực, trình độ, của cán bộ đảng viên còn nhiều hạn chế. Sau 20 năm xây dựng, Đảng bộ huyện không ngừng phát triển về số lượng và cả về chất lượng. Đến nay, có 37 tổ chức cơ sở Đảng, với 1.827 đảng viên luôn phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn quan tâm thực hiện; đã hoàn thành biên soạn, phát hành ấn phẩm Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1945-2012; Lịch sử Đảng bộ xã Pờ Tó và Ia Tul. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII & Khóa XIII) góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, công chức. 
- Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền từ huyện đến cơ sở; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có chuyển biến tốt. Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả, vụ ngày càng tốt hơn, cho nhu cầu của Nhân dân và doanh nghiệp. Tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực.
- Chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân được nâng lên. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn địa phương.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, hướng về địa bàn dân cư và bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Thành tựu đạt được trong 20 năm qua, là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực rất lớn, trong cả hệ thống chính trị; sự cần cù, sáng tạo của quân và dân các dân tộc trong toàn huyện; là thành quả tổng hợp, từ bao nhiêu công sức, tâm huyết, tấm lòng, tình cảm, của các thế hệ cán bộ đảng viên, cha anh đi trước; cùng với sự kế thừa sáng tạo, năng động, của thế hệ hôm nay. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, để ghi nhận những thành tựu đạt được, Đảng - Nhà nước đã tặng thưởng cho nhân dân và cán bộ huyện Ia Pa, nhiều phần thưởng cao quý đó là: “Huân chương LĐ hạng Nhì” và trao tặng “Huân chương lao động hạng Nhất”. 
Quá trình hình thành và Phát triển >> Cơ cấu tổ chức các đoàn thể >>
Lịch sử lãnh đạo qua các thời kỳ >> Chức năng - nhiệm vụ >>
Cơ cấu tổ chức Huyện ủy >> Các phòng ban chuyên môn >>
Cơ cấu tổ chức HĐND >> UBND các xã, thị trấn >>
Cơ cấu tổ chức UBND >> Hộp thư điện tử >>
THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 04 Quang Trung - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269) 3655106
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269) 3655091
1478004004_Mail.png  Email: ubndiapa@gialai.gov.vn
 
THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Bà Ngô Thị Tuyết - Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT ngày 27/11/2018 của Sở Thông tin và Truyền thông
Chung nhan Tin Nhiem Mang
   Copyright © 2017 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png